Tỷ phú Bill Gates trong chuyến thăm một trung tâm y tế ở Awutu Senya, Ghana. Ảnh: GETTY IMAGES

Đầu tiên có thể kể đến tỷ phú Elon Musk. Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Elon Musk đã cung cấp dịch vụ internet cho Ukraine thông qua các vệ tinh Starlink mà Công ty SpaceX của ông phóng lên, cho phép người dân, quân đội nước này truy cập internet mà ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công và gây nhiễu của Nga. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, Elon Musk bất ngờ tuyên bố trên mạng xã hội Twitter (mạng X) rằng, ông không thể tiếp tục tài trợ vô thời hạn cho hệ thống này.

Theo tờ Courrier International, quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine từ chối kế hoạch hòa bình mà Elon Musk đề xuất nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông Olivier Lascar, Tổng Biên tập bộ phận kỹ thuật số của Tạp chí Sciences et Avenir, bày tỏ lo ngại khi giờ đây một cá nhân, một chủ doanh nghiệp, vẫn có thể tác động tới một cuộc chiến.

Tiếp theo là Bill Gates. Năm 2000, tỷ phú Bill Gates và vợ thành lập Quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates (BMGF) với mục đích cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Năm 2018, nguồn vốn hỗ trợ của BMGF lên tới 46,8 tỷ USD, cao hơn GDP của Bờ Biển Ngà, hay Jordan vào cùng thời điểm. Quỹ BMGF cũng là nhà tài trợ lớn cho các cơ quan Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề sức khỏe, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo số liệu năm 2020-2021 trên trang web chính thức của WHO, BMGF là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Đức, với số tiền lên tới 751 triệu USD.

Những tỷ phú công nghệ của Mỹ

Phân tích về tầm ảnh hưởng của BMGF, bà Stephanie Tchiombiano, giảng viên khoa Khoa học chính trị tại Đại học Pantheon Sorbonne Paris, cho biết, quỹ của vợ chồng ông Bill Gates có thể ảnh hưởng đến các chính sách y tế thế giới thông qua nhiều kênh như: hiện diện trong các hệ thống quản lý y tế toàn cầu, là một thành viên trong nhóm không chính thức H8 (Health 8) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới về y tế. “Nhiều người còn lo ngại rằng, các quyết định của WHO đều phải đợi BMGF phê duyệt thì mới được thông qua”, bà Stephanie Tchiombiano nói.

Theo báo cáo tài chính quý 2-2023 của Tập đoàn Meta do tỷ phú Mark Zuckerberg sáng lập, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn bộ hệ sinh thái Meta rơi vào khoảng 3,88 tỷ người, một con số khổng lồ. Nắm trong tay dữ liệu của 1/3 dân số thế giới, ông chủ Facebook hiển nhiên có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn.

Theo bà Christine Kerdellant, tác giả cuốn sách Ces milliardaires plus forts que les États (tạm dịch Những tỷ phú quyền lực hơn nhà nước), Mark Zuckerberg có thể tác động đến các cuộc bầu cử. Không chỉ thay đổi được lá phiếu của các cử tri, các nền tảng mạng xã hội của Mark Zuckerberg còn có thể thay đổi cả quan điểm thẩm mỹ của người dùng.

Bà Christine Kerdellant nhận định, có hai cách để các chính phủ hạn chế quyền lực của các tỷ phú. Cách đầu tiên là làm như Trung Quốc khi ngăn sự phát triển của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, thay vào đó là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, để tạo thế cân bằng giữa các tỷ phú Trung Quốc với Mỹ.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp có đủ khả năng đe dọa đến quyền lực của chính phủ trong một số lĩnh vực, chính phủ sẽ có các biện pháp khác để can thiệp. Cách thứ hai là làm như châu Âu. Họ cố gắng mua lại 900 công ty, với mục đích can thiệp ngay từ đầu việc cạnh tranh và hưởng lợi từ những gì mà các công ty này tạo ra. Ngoài ra, còn các biện pháp về thuế quan như áp 15% mức thuế tối thiểu toàn cầu với các công ty đa quốc gia…

Không thể phủ nhận tài năng cũng như những đóng góp của các vị tỷ phú này cho xã hội: thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện đời sống và tạo ra các bước tiến cho nhân loại. Nhưng, chắc chắn người dân và các chính phủ không bao giờ muốn lệ thuộc và bị chi phối bởi các tỷ phú.

Theo số liệu từ Viện Thẩm mỹ Champs Élysées ở Paris (Pháp), số lượng người trẻ từ 15-25 tuổi đến yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng lên gấp 10 lần. Họ muốn phẫu thuật vì họ đã quen với những hình ảnh của bản thân có sự can thiệp của những filter (công nghệ chỉnh sửa hình ảnh) có sẵn trên Facebook hay Instagram, chạy theo một thế giới ảo mà các nền tảng mạng xã hội tạo ra. Và Meta, thay vì có những biện pháp để ngăn ngừa, hay cảnh báo, lại biến nó ngày càng trở nên gây nghiện hơn, miễn sao có thể giữ chân người dùng ở lại càng lâu càng tốt để tiện cho việc quảng cáo.

MINH CHÂU